Tin mới

CẢNG VỤ ĐTNĐ KHU VỤC III TUYÊN TRUYỀN THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2025 (Từ 15/4/2025 đến 15/5/2025)

NGÀY ĐĂNG 24/04/2025

📅 THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2025
(Từ 15/4/2025 đến 15/5/2025)

🎯 CHỦ ĐỀ
“VẬN CHUYỂN THỰC PHẨM AN TOÀN VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI BẾP ĂN TẬP THỂ”


SỨC KHOẺ CON NGƯỜI là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm gồm: vi sinh vật, hoá chất, độc tố tự nhiên và thực phẩm hư hỏng. Các tác nhân này có thể xảy ra trong suốt quá trình ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm. Những nơi có nguy cơ cao là các quán ăn vỉa hè, bếp ăn không phép và các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố.


📊 SỐ LIỆU NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NĂM 2024

  • 131 vụ ngộ độc thực phẩm

  • 4.796 người mắc bệnh

  • 21 ca tử vong

So với năm 2023:

  • Tăng 7 vụ, tăng 2.677 người mắc, giảm 7 ca tử vong

Trong đó:

  • 29 vụ lớn (≥ 30 người)

  • 102 vụ nhỏ

  • 43 vụ do độc tố tự nhiên (cóc, nấm rừng, so biển, cua lạ...)

  • 6 vụ do hóa chất

  • 45 vụ do vi sinh vật

  • 37 vụ chưa rõ nguyên nhân

(Nguồn: Bộ Y tế)

  I. Quy định về An toàn thực phẩm liên quan đến ngành giao thông vận tải

     Căn cứ Điều 21 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm như sau:

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm

🚛 1.Tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;

b) Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

c) Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định về phương tiện vận chuyển thực phẩm; đường vận chuyển thực phẩm đối với một số loại thực phẩm tươi sống tại các đô thị.


🍽️ 2. AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI BẾP ĂN TẬP THỂ

📘 2.1. Khái niệm

     Theo khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như sau:

"5. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể."

     Như vậy, theo quy định nêu trên thì bếp ăn tập thể chính là một trong những loại hình của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

📘 2.2. Điều kiện ATTP tại bếp ăn tập thể

2.2.1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

👉 Theo quy định tại Điều 11 và 12 Chương V Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm. Trường hợp trường nhận suất ăn sẵn thì ký hợp đồng với cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho loại hình cung cấp suất ăn sẵn để cung cấp suất ăn.

2.2.2. Cơ sở chế biến, phục vụ phải đảm bảo

👉 Theo Điều 28 Luật An toàn thực phẩm quy định về Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống:

1. Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

2. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

3. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.

4. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.

5. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.

6. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.

7. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

👉 Theo Điều 29 Luật An toàn thực phẩm quy định về Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống:

1. Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.

2. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

3. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.

4. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

👉 Theo Điều 30 Luật An toàn thực phẩm về Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm:

1. Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.

2. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.

3. Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

📘 2.3. Một số lưu ý khác

🧼 Khu vực ăn uống

- Thoáng mát, đủ ánh sáng, vệ sinh sạch sẽ.

- Nơi rửa tay phải đủ nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn bàn tay cho người ăn.

- Không phục vụ cùng lúc quá đông người, cần bố trí ăn theo ca.

- Thùng đựng rác có nắp đậy, đạp chân để mở nắp và có lót túi.

Người chế biến, phục vụ ăn uống trong bếp ăn tập thể

- Phải đeo khẩu trang khi chế biến, phục vụ.

- Sử dụng đũa, kẹp gắp, găng tay nilong để chi gắp thức ăn.

- Không tham gia phục vụ, chế biến khi bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.

🧼 2.3.2 Bảo quản thực phẩm

- Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm quy định tại khoản 2 điều 2 Chương I Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

- Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn.

- Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến. Thức ăn đã chế biến nên được dùng trong vòng 2 giờ.

- Nhà kho đảm bảo lưu thông không khí, đủ ánh sáng, cửa sổ có lưới chống ruồi, nhặng, gián và các côn trùng có hại khác.


HÃY CÙNG NHAU HÀNH ĐỘNG!

Bằng những hành động nhỏ, chúng ta cùng nhau xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn – bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

📢 Đoàn Thanh niên Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III trân trọng!

  • Số người truy cập: 96152
  • Đang online: 26